Công nghệ blockchain đang là lĩnh vực thu hút được rất nhiều sự quan tâm trên toàn cầu và cả ở Việt Nam, nhờ vào tính ứng dụng rộng rãi trên hàng loạt các ngành nghề khác nhau cũng như tiềm năng to lớn đối với các doanh nghiệp. Mặc dù công nghệ mới mẻ này mang lại rất nhiều lợi ích, nhưng đi đôi với đó là vô số những tác động tiêu cực cần được hạn chế.
Công nghệ blockchain xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1991 với ứng dụng cho tem thời gian của văn bản, nhưng phải đến năm 2009, blockchain mới thực sự được biết đến thông qua việc tạo nên đồng tiền mã hóa đầu tiên là Bitcoin. Ngoài được ứng dụng vào lĩnh vực tiền điện tử, công nghệ blockchain còn hướng đến rất nhiều lĩnh vực, như quản lý bản quyền âm nhạc, bầu cử số, lưu trữ hồ sơ y tế, hợp đồng pháp lý thông minh… Không những thế blockchain còn được coi là một phát minh mang tính đột phá, thậm chí được so sánh với internet.
Nhờ vào tính thực tiễn cao, dữ liệu thời gian minh bạch, tiết kiệm không gian lưu trữ và đảm bảo bảo mật thông minh, blockchain được xem là “ứng cử viên” sáng giá cho ngành công nghệ tương lai và được kỳ vọng sẽ trở thành lĩnh vực đầy tiềm năng được nhắm đến của các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam.
Blockchain đã trở nên khá phổ biến trong giới đầu tư cũng như giới trẻ, khi nó được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực quan trọng như tài chính, giải trí, nghệ thuật, giáo dục… Trong top các lĩnh vực được nhắc đến trong thị trường blockchain thì sàn giao dịch chiếm hơn một nửa (51%), sau đó lần lượt là GameFi (sự kết hợp trò chơi vào tài chính) chiếm 19,42%, Tài chính phi tập trung (DeFi) và ứng dụng phi tập trung (dApps) chiếm 16,06%, Game Studio chiếm 7,56% và các lĩnh vực khác chiếm 5,61%.
Thị trường blockchain ở Việt Nam
Mặc dù khái niệm về blockchain còn khá mới mẻ đối với người dân Việt Nam, nhưng công nghệ này cũng đã được ứng dụng vào một số lĩnh vực quan trọng của đất nước. Vào tháng 6 năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức triển khai hệ thống tra cứu văn bằng với ứng dụng công nghệ blockchain trên toàn quốc. Tiếp đó, tỉnh Đồng Nai cũng đã quyết định sẽ sử dụng phần mềm TE-FOOD Blockchain để truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn vào cuối năm 2021.
Năm 2021 với những ảnh hướng của đợt đại dịch COVID-19 lần thứ 4, đã khiến lĩnh vực Blockchain càng phổ biến hơn nữa, khi số lượng các cuộc thảo luận, các nội dung được quan tâm chủ yếu xoay quanh các từ khóa như “tiền điện tử”, “làm giàu nhanh chóng”, “cờ bạc blockchain” đã tăng nhanh chóng.
Theo thống kê của Reputa, trên các trang mạng xã hội, có hơn 73% các cuộc thảo luận công khai đề cấp đến “xu hướng thị trường Bitcoin/Atlcoin”, bên cạnh “Cách khai thác Pi”. “Trò chơi NFT” là những chủ đề được dư luận rất quan tâm.
Bên cạnh những thông tin tích cực, năm 2021, thị trường blockchain Việt Nam cũng xuất hiện nhiều thông tin tiêu cực, ảnh hưởng đến niềm tin của công chúng đối với lĩnh vực mới nổi này.
Vào tháng 2 năm 2021, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực blockchain đã cảnh báo về tiền ảo Pi Network, cho rằng dự án này không có tính minh bạch và có nhiều dấu hiệu lừa đảo. Chưa đầy 3 tháng sau, người dùng blockchain cũng chứng kiến sự cố của sàn Coolcat, với số tiền thiệt hại lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Vào cuối năm, ồn ào giữa Youtuber Khoa Pug và Johnny Đặng về một loạt tiền điện tử có tên Diamond Boyz Coin (DBZ) cũng làm dấy lên nghi vấn gian lận.
Mâu thuẫn giữa Khoa Pug và Johny Đặng chưa kịp lắng xuống thì thị trường blockchain lại trở nên ồn ào bởi thông tin Streamer Viruss quảng cáo cho dự án coin rác, khi Viruss đăng video chia sẻ kinh nghiệm cá nhân và giới thiệu hướng dẫn đầu tư vào các loại tiền ảo.
Tuy nhiên, thị trường blockchain Việt Nam nói chung và tiền điện tử nói riêng đã có một năm bùng nổ. Thành công của Axie Infinity vào giữa năm 2021 đã mở đường cho nhiều dự án GameFi của Việt Nam ra mắt hàng loạt. Kể từ đó, “blockchain” đã trở thành một từ khóa quen thuộc đối với cộng đồng đầu tư cũng như giới trẻ.
Qua hàng loạt các sự kiện trên, cho thấy rằng năm 2021 đã chứng kiến nhiều biến động trên thị trường blockchain Việt Nam, từ những sự kiện tích cực đến tiêu cực.
Sự bùng nổ của GameFi
Bên cạnh những dự án về tiền điện tử, các dự án GameFi cũng nỗi trội không kém. Sau khi Axie Infinity gây tiếng vang toàn cầu vào giữa năm 2021, hàng loạt các dự án GameFi khác ồ ạt ra đời.
Axie Infinity là dự án nổi bật nhất trong cộng đồng GameFi Việt Nam vào năm 2021, giúp CEO Nguyễn Thành Trung lọt top 10 những nhân vật có sức ảnh hưởng nhất trong thế giới tiền điện tử.
Ngoài ra, các dự án GameFi thuộc thể loại nhập vai như Parallel, Elemon và Decentraland được xếp vị trí thứ 2,3, và 4 trong danh sách, với đồ họa đẹp mắt và sự minh bạch về việc “kiếm tiền” trong trò chơi.
Theo một báo cáo vào tháng 1 năm 2022 từ DapRaddar, các trò chơi dựa trên blockchain đã nhận được 1 tỷ đô la tài trợ chỉ trong một tháng.
Đọc thêm:>>> GameFi ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ vào tháng 1 với 1 tỷ đô la tài trợ.
Năm 2020, blockchain là một trong những lĩnh vực công nghệ nằm trong danh mục ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng cho Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 theo quyết định của Chính phủ. Và vào năm 2021, thị trường blockchain cũng gây chú ý với các dự án lớn lần lượt ra đời và trở nên nổi bật trong nhiều lĩnh vực Tài chính ngân hàng, Sức khỏe y tế, Giáo dục đến Giải trí.
Thông qua những lợi ích và tiềm năng mà công nghệ blockchain đã mang lại, hoàn toàn có thể tin rằng blockchain sẽ mang đến nhiều sự đổi mới tích cực trong tương lai, tuy nhiên cũng không nên quá lạm dụng vì công nghệ này cũng tồn tại nhiều hạn chế, chẳng hạn như tốn nhiều năng lượng, khối lượng dữ liệu lớn, vấn đề riêng tư trong blockchain… Theo báo cáo của TechSci Reasearch, thị trường blockchain Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2023-2027.
Tintucnft tổng hợp.