Chào Bạn, cộng đồng Crypto ở Việt Nam hiện nay có nhiều lời đồn thổi về giá trị thật của Pi Network, một số cho rằng Pi chẳng có giá trị gì, số khác thì hô hào giá Pi lên tới vài ngàn đô. Cũng không ít người tin Pi sẽ lật đổ được Bitcoin và chiếm ngôi Vua của thị trường Coin.
Chưa bàn đến việc đúng sai, chúng tôi nhận thấy các luồng tin trái chiều này sẽ bị các tổ chức, cá nhân sử dụng làm công cụ để lừa đảo cộng đồng. Chúng có thể vẽ ra các viễn cảnh hào nhoáng, những chiếc bánh vẽ ngon lành, sử dụng đủ chiêu trò để tạo FOMO, lôi kéo nhà đầu tư xuống tiền để chúng bán Pi với giá cao và trục lợi.
PI NETWORK VÀ NGUYÊN LÝ TAM GIÁC TRILEMMA TRONG BLOCKCHAIN
Thuật ngữ “Blockchain Trilemma” được đặt ra bởi người đồng sáng lập Ethereum, Vitalik Buterin, để mô tả ba vấn đề cốt lõi mà các Core Team phải đối mặt khi tạo ra blockchain. Đó chính là Phi tập trung – Decentralization, Khả năng mở rộng – Scalability và Bảo mật – Security.
Mỗi một blockchain khi được build sẽ bắt buộc phải chọn 2 trong 3 yếu tố để ưu tiên cho chain của mình.
Ví dụ như Bitcoin:
- Để đảm bảo cho sự bảo mật và yếu tố phi tập trung, nền tảng này đã sử dụng thuật toán Proof Of Work. Sử dụng các thiết bị vật lý đắc đỏ và tiêu tốn nhiên liệu, năng lượng để vận hành máy móc.
- Phi tập trung ở đây: chính là một blockchain được vận hành bởi rất nhiều Node máy tính trên toàn cầu, cùng nhau vận hành một sổ cái Ledger và cùng nhau đồng thuận – consensus một giao dịch.
- Về bảo mật: Không thể hack được mạng lưới này vì sự phi tập trung ở đây đã quá lớn. Không thể tấn công cùng lúc tất cả máy tính trên toàn cầu. Hoặc ít nhất là 51% Attack cũng không thể thực hiện
- Vì phụ thuộc vào máy móc và mạng internet, nên Bitcoin sẽ hi sinh khả năng xử lý, tốc độ giao dịch của chain.
- Theo đó, mạng blockchain Bitcoin có thể xử lý khoảng 7 giao dịch mỗi giây (TPS) trong khi Ethereum có thể xử lý tối đa 15 TPS.
Về phía Pi Network, theo những gì mà sách trắng White paper đã công bố, Pi đã chọn giao thức đồng thuận SCP – Viết tắt của The Stellar Consensus Protocol. Một phiên bản của giao thức Proof Of Stake. Đây là thuật toán nổi tiếng mà blockchain Stellar và Ripple đã sử dụng, chúng tôi phân tích theo tam giác Trilemma như sau:
- Về khả năng mở rộng: SCP không cần phải vận hành máy móc như Proof Of Work, mà sử dụng Proof Of Stake để đạt được sự đồng thuận trong các giao dịch của blockchain, vì vậy mà tốc độ giao dịch rất ấn tượng. Có thể lên đến vài ngàn, thậm chí 100.000 TPS.
Trên thực tế, mạng Pi Network đã được mainnet “kín”, nên chúng ta có thể thấy tốc độ giao dịch của Pi rất tốt. Gửi và nhận coin mượt mà. Không bị nghẽn. Tuy nhiên lượng giao dịch hiện nay chưa nhiều vì số lượng ví thực sự được mainnet vẫn còn trong giai đoạn “mainnet một số ít để thử nghiệm”.
- Về Bảo mật: Ngoài SCP, Pi Network sử dụng thêm thuật toán “Hiệp định Byzantine liên bang – gọi tắt là FBA. Thuật toán này là một phiên bản của Byzantine Fault Tolerance (BFT). Nó chủ yếu giúp cho Blockchain đi tới sự đồng thuận nhờ vào sự đồng thuận của các đại biểu Node “uy tín” trong hệ thống. khái niệm được gọi là “Vòng tròn bảo mật” của Pi cũng có khả năng là một phần của thuật toán này.
- Về Tính Phi tập trung: Vì sử dụng thuật toán FBA, nên các Node đồng thuận ngay từ đầu sẽ được lựa chọn bởi nhà sáng lập. Thực tế thì hiện nay, các Node hay Super Node của Pi vẫn chưa được chọn lựa bởi Pi Core Team.
Đây chính là điểm yếu của thuật toán FBA. Sự tập trung sẽ nằm trong tay của những nhà sáng lập ra blockchain đó. Họ có đủ quyền để chọn, ai sẽ là những Node hoặc Super node để vận hành hệ thống.
Tổng kết lại:
- Nếu Bitcoin lựa chọn sự Phi tập trung và bảo mật để đưa lên hàng đầu. Hi sinh tốc độ giao dịch.
- Thì Pi Network chọn Bảo mật và tốc độ giao dịch. Hi sinh sự Phi tập trung.
Tuy nhiên cần lưu ý ở đây, những thông tin chúng tôi cung cấp ở đây được dựa vào Whitepaper mà Pi cung cấp, chưa có bất kỳ một Source code nào được PCT công bố chính thức để chứng minh cho “tầm nhìn” mà Pi hướng tới.
Trong ngành Blockchain hiện tại, không ít những cái tên đã hi sinh Sự phi tập trung để đổi lấy tốc độ giao dịch. Nổi bật trong số đó là Solana. Một mạng lưới blockchain vận hành theo thuật toán POS kết hợp với Proof of History. Tốc độ giao dịch lên đến vài trăm ngàn TPS. Tuy nhiên, vì điểm yếu của sự tập trung, Solana đã phải shutdown hệ thống lên tới 4 lần tính từ đầu năm nay.
KHẢ NĂNG PHÁT TRIỂN SMART CONTRACT VÀ CÁC DAPP
Bitcoin được nhận định là một dạng tài sản số. Lưu giữ giá trị, vì ngay từ khi được tạo ra, Bitcoin đã không được phát triển để có thể tích hợp các Smart contract bên trong blockchain của mình. Thuật ngữ hợp đồng thông minh Smart contract chỉ xuất hiện khi Vitalik đồng sáng lập ra Ethereum.
Về phí Pi Network, vào tháng 7 năm 2021, Pi core team cũng đã phát động cuộc thi “Pi Hackathon” nhằm khuyến khích các lập trình viên tham gia phát triển sản phẩm trên Pi, các sản phẩm mà Pi khuyến khích phát triển khá đa dạng như: Defi, game, NFT, marketplace, social… Pi cũng cung cấp các công cụ để các lập trình viên có thể build app bằng các ngôn ngữ phổ biến như Python, Java, Ruby,…
Từ đó có thể thấy, việc cộng đồng có thể phát triển các “smart contract” và các Dapp trên Pi là rất tiềm năng.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý thêm, việc Pi Network có phát triển hệ sinh thái thành công hay không phụ thuộc hoàn toàn vào “năng suất” hoạt động của hệ thống. Nhất là khi lượng TPS đạt lên tới hàng ngàn giao dịch.
CỘNG ĐỒNG VÀ SỰ ẨN DANH TRONG BLOCKCHAIN
Một trong những đặc tính quan trọng của Blockchain đó chính là sự ẩn danh. Chúng ta chỉ có thể kiểm tra các hoạt động gửi và nhận Coin/ token một cách công khai trên các website chính thức mà nền tảng blockchain đó cung cấp. Không có một bên nào biết người sở hữu ví thực sự là ai.
Theo như TripleA, tính đến hết năm 2021, có tới 3.9% dân số toàn thế giới đang sở hữu tiền điện tử. tương đương với khoản 300 triệu người dùng. Theo blockchain.com, số ví giao dịch đã từng được kích hoạt trên blockchain Bitcoin đạt vào khoảng 1 triệu ví. Và tất cả chúng đều được ẩn danh.
Về phía Pi Network, hiện nay coreteam đã công bố lượng người dùng đạt tới 35 triệu tài khoản trên toàn cầu. Tuy nhiên đây là con số tổng, số người dùng thực tế chỉ được xác nhận khi vượt qua được KYC.
Một lưu ý rất quan trọng ở đây, đó chính là người dùng phải KYC tài khoản. Như vậy là tính chất quan trọng nhất – tính ẩn danh trong Blockchain đã không được áp dụng trong mạng lưới Pi Network.
Tổng kết lại, Nếu phát triển đến đỉnh cao của công nghệ, Pi Network cũng chỉ trở thành một Blockchain layer 1 và cạnh tranh với các blockchain khác như : Ethereum, Solana, Ripple, Near,…
Việc mở ra một blockchain riêng, có coin, token, viết được smart contract, có blockscan,… hiện nay không phải là quá khó trong giới lập trình Dev. Chúng ta đều có thể tải một blockchain có source code công bố sẵn, sau đó hard fork nó ra thành 1 blockchain độc lập. Tinh chỉnh một vài thông số để biến blockchain đó thành của mình.
Như vậy, sự độc đáo, tính duy nhất của Pi Network, sẽ chỉ được xác nhận khi Pi Core Team công bố chính thức source code và được các chuyên gia trong giới blockchain xác nhận.
ĐỊNH GIÁ PHÙ HỢP CHO PI NETWORK
Hiện nay có rất nhiều cá nhân và tổ chức tự xưng trên thị trường đang kêu gọi cộng đồng đào Pi và đồng thuận giá Pi lên tới vài trăm đô, thậm chí có người còn cho rằng giá Pi sẽ ở mức 6.700 $. Hãy cùng chúng tôi làm thử một vài phép tính để xem định giá cho Pi như thế nào là phù hợp
Ngày 28/ 12/ 2021 vừa qua Pi đã chính thức công bố nguồn cung tối đa là 100 tỷ Coin. Trong đó, 20% thuộc về Core team và sẽ có tổng cộng 80 tỷ coin thuộc về cộng đồng được lưu hành.
Giả sử nếu giá Pi có giá 10 $/ Pi, thì tổng vốn hoá của Pi dành cho cộng đồng sẽ là:
80 tỷ $ * 10 $/ Pi = 800 Tỷ $.
Nếu xét về vốn hoá của toàn bộ thị trường tiền điện tử, sau hơn 13 năm phát triển kể từ khi Bitcoin ra mắt, đỉnh cao nhất mọi thời đại của thị trường này là 3.000 tỷ $. Hiện tại giá trị này chỉ còn giao động ở khoảng 1.100 tỷ $.
Khi nhìn vào vốn hoá và thời gian “lưu hành” trên thị trường, rõ ràng là Pi không thể đạt tới giá trị 10 $/ Pi. Vài trăm hay vài ngàn đô chỉ là con số ảo để tạo FOMO cho cộng đồng.
Vậy giá trị nào là phù hợp với Pi.
Ethereum được xem là blockchain đứng đầu về mặt công nghệ vì có thể lập trình được “Smart contract” và có vốn hoá chỉ đứng sau Bitcoin. Hiện nay vốn hoá của Ethereum đạt vào khoảng 215 tỷ đô. (theo coinmarketcap)
Nếu xét về mặt công nghệ, hiện nay Solana được xem là “Ethereum Killer” vì những đột phá về tốc độ xử lý và công nghệ Smart contract, vốn hoá thị trường hiện tại của Solana đạt khoảng 15 tỷ đô. (theo coinmarket cap)
Như vậy xét về tỷ lệ, Ethereum đang gấp Solana khoảng 14 lần.
Tỷ lệ: ETH 215 tỷ $ : SOL 15 tỷ $ = 14.3 lần.
Hay nói cách khác : SOL = ETH/14
Mặc dù điều sau đây là dường như không thể xảy ra, nhưng hãy giả sử vốn hoá của Pi sẽ đạt gấp 7 lần vốn hoá của SOL và được ½ vốn hoá của ETH. Tức là vào khoảng 105 tỷ – 106 tỷ $.
Vốn hoá Pi = SOL 15 tỷ $ * 7 = 105 tỷ $
Theo như Pi Network công bố chính thức số lượng người đang tham gia, thì có đến khoảng 35 triệu người đào Pi, chỉ cần mỗi người đào được 1000 Pi, thì sau Pi sau khi mainnet sẽ đạt tới 35 tỷ coin.
Số Pi lưu hành sau mainnet = 35.000.000 người đào * 1000 Pi/ người = 35 tỷ Coin
Như vậy, giá của Pi trong viễn cảnh vô cùng tươi đẹp này, thì sẽ được tính như sau :
Giá Pi = Tổng vốn hoá 105 tỷ $ : Tổng lượng cung 35 tỷ Coin = 3 đô/ Pi.
Lưu ý đây là kết quả khi vốn hoá của Pi đạt bằng một nửa của Ethereum và tất cả người dùng chỉ đào được trung bình 1000 Pi/ người
Mặc khác, Chúng ta sẽ nhìn vào các dự án Blockchain có total supply hơn 50 tỷ đơn vị gần nhất là Stellar (XLM)đã đạt tất cả tiêu chuẩn của một Blockchain mà chúng tôi đã phân tích trên. Tuy nhiên sau hơn 5 năm phát triển giá trị nền tảng của đồng coin này hiện đang ở mức 0.1$/XLM. Hay TRX ~ 92 tỷ đơn vị với giá hiện 0.06$. Ripple(XRP) 100 tỷ coin với giá 0.3$. Doge coin với nguồn cung 132 tỷ coin, mặc dù đã được sự hỗ trợ của Elon Musk, nhưng giá chỉ ở mức 0.07$. Điều đó chứng tỏ khi một Blockchain đạt mức độ phát triển lý tưởng của nó thì phải cạnh tranh với rất nhiều những ông lớn đang hiện diện trong ngành và Pi network sẽ không là ngoại lệ.
Việc định giá của Pi hoàn toàn phụ thuộc vào cán cân cung cầu của thị trường và đặc biệt là Pi phải được niêm yết lên các sàn giao dịch lớn và uy tín, có đầy đủ thanh khoản để đảm bảo việc mua bán luôn được diễn ra thuận lợi. Chúng tôi một lần nữa cảnh báo mọi người không nên tự ý giao dịch Pi với tỷ giá của thị trường chợ đen. Đồng thời cộng đồng hãy luôn cảnh giác với các chiêu trò tâng bốc thái quá, khi Pi core team(PCT) chưa công bố source code của họ điều đó đồng nghĩa những gì các “founder Pi tự xưng” ngoài kia đang nói là vô nghĩa & không có giá trị định lượng về giá cả của Pi. Trong thế giới công nghệ không có chỗ cho “cảm xúc” hay “cảm tính” là tốt thì nó sẽ tốt. Giá trị của một nền tảng công nghệ được định lượng bằng những dòng code và chúng tôi cũng như những chuyên gia đầu ngành Blockchain vẫn chưa thể tiếp cận source code của Pi network để đưa ra những nhận định khách quan nhất.
Lưu ý quan trọng: Toàn bộ nội dung trên website chỉ dành cho mục đích thông tin và hoàn toàn không phải là lời khuyên đầu tư hoặc tài chính. Không có thông tin nào trên trang web này cấu thành để: dựa vào, gợi ý, đề nghị hoặc mời gọi, tham gia vào bất kỳ hoạt động nào liên quan đến đầu tư hoặc giao dịch tài sản số.Và chúng tôi luôn luôn phải nhắn nhủ rằng: Các khoản đầu tư tiền điện tử có tính chất mạo hiểm và rủi ro cao. Đừng đầu tư nhiều hơn những gì bạn có thể để mất.